Xin giấy phép xuất khẩu lao động

Hiện nay, ở nước ta hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (hoạt động xuất khẩu lao động) đang ngày một nở rộ. Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài các năm trở lại đây tăng vọt. Thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng rộng mở tạo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như tạo cơ hội việc làm cho hàng triệu người lao động Việt Nam. 

Luật Song Anh xin gửi tới Quý khách hàng những tư vấn, phân tích cũng như các quy trình liên quan đến Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu lao động.

1. CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động, trước tiên Quý khách hàng cần lưu ý các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động gồm:

– Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

– Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Nghị định số 144/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Thông tư số 17/2007/TT- BLĐTBXH-NHNNVN hướng dẫn việc ký quỹ tại ngân hàng thương mại;

– Quyết định số 18/2007/QĐ-BLĐTBXH quy định chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

– Quyết định số 19/2007/QĐ- BLĐTBXH quy định về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

– Các văn bản hướng dẫn có liên quan khác;

2. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cần phải đáp ứng đủ các điều kiện mà Luật Song Anh đã tổng hợp và phân tích dưới đây.

2.1. Điều kiện về vốn pháp định công ty xuất khẩu lao động

Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động phải có vốn pháp định là 05 tỷ đồng. Vốn pháp định được hiểu là mức vốn pháp luật quy định khi tiến hành sản xuất kinh doanh một ngành nghề nào đó doanh nghiệp phải đáp ứng mức vốn bằng hoặc cao hơn mức vốn mà pháp luật quy định cho ngành nghề đó. Trong trường hợp này vốn pháp định đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động là 05 tỷ đồng.

Theo đó, doanh nghiệp cần chứng minh có đủ số vốn tối thiểu là 5 tỷ đồng. Thông thường, việc chứng minh vốn pháp định thông qua xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Lưu ý: Đối với các doanh nghiệp đã được thành lập hay có hoạt động kinh doanh hơn một năm thì ngoài xác nhận số dư tài khoản cần phải nộp báo cáo kiểm toán.

2.2. Xây dựng đề án hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động, doanh nghiệp cần phải xây dựng Đề án hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/CP thì Đề án hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thể hiện năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đề án bao gồm những nội dung sau đây:

– Tên giao dịch, địa chỉ giao dịch, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, vốn và cơ cấu vốn, chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đại diện doanh nghiệp theo ủy quyền, vốn, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xin giấy phép xuất khẩu lao động (nếu là doanh nghiệp đang hoạt động).

– Phương án tổ chức bộ máy hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

– Dự kiến thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngành nghề đưa lao động đi, địa bàn tuyển chọn lao động.

– Phương án tuyển chọn người lao động, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài.

– Phương án tài chính để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2.3. Xây dựng phương án tổ chức bộ máy chuyên trách hoạt động xuất khẩu lao động

Theo quy định của pháp luật, khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động, doanh nghiệp phải có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hiện nay theo quy định thì bộ máy hoạt động xuất khẩu lao động chuyên trách phải có ít nhất 9 người.

2.4. Người lãnh đạo, điều hành hoạt động xuất khẩu lao động

Theo quy định hiện hành, người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế.

Việc xác nhận điều kiện của người lãnh đạo và điều hành hoạt động xuất khẩu lao động thông qua hồ sơ cá nhân của người đó bao gồm:

– Bằng cấp, chứng chỉ liên quan;

– Sơ yếu lý lịch;

– Xác nhận năm kinh nghiệm của đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động;

2.5. Tiền ký quỹ khi hoạt động xuất khẩu lao động

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 126/2007/NĐ-CP, trước khi xin giấy phép xuất khẩu lao động, doanh nghiệp phải ký quỹ số tiền là 01 (một) tỷ đồng. Số tiền ký quỹ này sẽ bị phong tỏa trong tài khoản ngân hàng trong suốt quá trình hoạt động xuất khẩu lao động.

Các tài liệu phục vụ cho việc chứng minh hoạt động kỹ quý gồm:

– Văn bản đề nghị kỹ quỹ theo mẫu;

– Hợp đồng ký quỹ;

– Giấy xác nhận kỹ quỹ;

Ngoài các điều kiện nêu trên, doanh nghiệp cần phải thỏa mãn các điều kiện khác theo quy định.

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động, Quý khách hàng cần phải tuân thủ và thực hiện các đúng và đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để được giấy phép xuất khẩu lao động. Luật Song Anh xin gửi Quý khách hàng quy trình xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động sau đây.

3.1. Thành lập công ty hoặc Bổ sung ngành nghề kinh doanh

Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 và điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và Điều 2 của Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn luật trên quy định:

– Giấy phép xuất khẩu lao động chỉ cấp cho tổ chức có tư cách pháp nhân (nghĩa là chỉ cấp phép cho Doanh nghiệp xuất khẩu lao động). Như vậy, bước đầu tiên để tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động đó là Quý khách hàng cần phải có một công ty.

Nếu Quý khách hàng chưa có công ty hoặc đã có công ty nhưng lại muốn sử dụng một công ty riêng chuyên biệt làm công ty xuất khẩu lao động thì Quý khách hàng cần thành lập công ty có ngành nghề hoạt động kinh về xuất khẩu lao động.

Trong trường hợp Quý khách hàng đã có công ty, Quý khách hàng cần làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh để bổ sung ngành nghề “Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” nhằm đáp ứng quy định về ngành nghề, vốn theo quy định.

Lưu ý: Khi xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động, Quý doanh nghiệp phải có vốn pháp định 5 tỷ đồng, và có ngành nghề Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Vì vậy, Quý khách hàng cần bổ sung hai nội dung này lên đăng ký kinh doanh trước khi nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động.

Quý khách hàng có thể tham khảo mã ngành nghề sau:

STT Tên ngành nghề Mã ngành
1 Cung ứng và quản lý nguồn lao động

Chi tiết:

Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

(Theo quy định tại Điều 8 – Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11)

7830

Sau khi thực hiện xong thủ tục thành lập công ty hoặc thay đổi đăng ký kinh doanh, Quý khách mới đủ điều kiện để thực hiện các bước tiếp theo mà chúng tôi sẽ nêu sau đây.

3.2. Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động

Hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động bao gồm:

– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp theo mẫu;

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Giấy tờ chứng minh năng lực tài chính 5 tỷ đồng. Luật Song Anh sẽ tư vấn, hướng dẫn Quý khách chuẩn bị và hoàn thiện Hồ sơ vốn pháp định;

– Giấy xác nhận ký quỹ 1 tỷ đồng của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp ký quỹ. Hồ sơ ký quỹ xuất khẩu lao động Luật Song Anh soạn thảo và hướng dẫn Quý khách thực hiện ký quỹ;

– Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 126/2007/NĐ-CP mà Luật Song Anh sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo.

– Sơ yếu lý lịch của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài kèm theo giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định (gồm CMND/CCCD; Bằng tốt nghiệp đại học trở lên; Văn bằng/chứng chỉ khác nếu có);

– Phương án tổ chức bộ máy xuất khẩu lao động (đối với doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) hoặc báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Luật Song Anh chịu trách nhiệm xây dựng Phương án tổ chức bộ máy;

– Danh sách trích ngang cán bộ chuyên trách trong bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm các nội dung: họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nhiệm vụ được giao. Luật Song Anh chịu trách nhiệm Lập danh sách trích ngang cán bộ bộ máy phục vụ hoạt động xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động.

– Ngoài ra, nộp kèm các giấy tờ tài liệu khác: Điều lệ công ty, hợp đồng thuê trụ sở, hợp đồng liên kết đào tạo, thỏa thuận hợp tác với đối tác nước ngoài…

3.3. Quy trình nộp và giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp giấy phép xuất khẩu lao động

Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ lao động, thương binh và xã hội.

Trong trường hợp Quý khách sử dụng dịch vụ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động của Luật Song Anh, chúng tôi sẽ thay mặt doanh nghiệp liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nộp hồ sơ, nhận kết quả và bàn giao cho Khách hàng Giấy phép xuất khẩu lao động.

Quy trình và thời hạn cấp giấy phép xuất khẩu lao động

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp sau khi lấy ý kiến của một trong những người có thẩm quyền sau:

– Thủ trưởng cơ quan ra quyết định thành lập hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập đối với doanh nghiệp nhà nước;

– Người ra quyết định thành lập đối với doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;

– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính với doanh nghiệp không thuộc 02 trường hợp đã nêu ở trên.

Trường hợp không cấp Giấy phép xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.

3.4. Lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu lao động

Lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu lao động là 5 triệu đồng. Doanh nghiệp nộp lệ phí cấp Giấy phép tại thời điểm nhận Giấy phép.

IV. DỊCH VỤ XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CỦA LUẬT 

Hiện nay, Luật Song Anh là đơn vị hàng đầu cung cấp dịch vụ hỗ trợ thủ tục xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động.

Chúng tôi đã xây dựng các phương án cung cấp dịch vụ cụ thể như sau:

5.1. Phương án thứ nhất

Luật Song Anh sẽ chịu trách nhiệm tư vấn, soạn thảo và chuẩn bị hồ sơ, sau đó Quý khách tự liên hệ nộp và xử lý hồ sơ.

Với phương án này, Luật Song Anh thực hiện các công việc:

– Tư vấn và giải đáp các vướng mắc của Quý khách hàng về hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động;

– Xây dựng và soạn thảo toàn bộ hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động theo quy định của pháp luật;

– Bàn giao cho Khách hàng hồ sơ hoàn thiện và hướng dẫn khách hàng nộp hồ sơ, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);

– Phối hợp với khách hàng trong quá trình xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động.

Thời gian thực hiện: 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng dịch vụ.

5.2. Phương án thứ hai

Luật Song Anh chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc tư vấn, soạn thảo và chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động và Bàn giao giấy phép xuất khẩu lao động cho khách hàng.

Đối với phương án này, Luật Song Anh sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các công việc:

– Tư vấn và giải đáp các vướng mắc của Quý khách hàng về hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động;

– Soạn thảo, chuẩn bị toàn bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật về việc xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động;

– Trực tiếp nộp hồ sơ, liên hệ xử lý và chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ (nếu có), giải trình và làm việc với cơ quan cấp phép để đạt hiệu quả công việc (Cấp phép);

– Nhận và bàn giao giấy phép xuất khẩu lao động cho khách hàng;

– Tư vấn và hướng dẫn khách hàng trong quá trình hoạt động xuất khẩu lao động đúng quy định của pháp luật;

– Tư vấn pháp lý miễn phí cho khách hàng trong thời hạn 1 năm liên quan đến lĩnh vực hoạt động xuất khẩu lao động của khách hàng.

Thời gian thực hiện:

Thời gian thực hiện là 120 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

5.3. Phương án thứ ba

Luật Song Anh thực hiện tư vấn hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ và phối hợp với khách hàng trong quá trình làm thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động. Bao gồm:

– Hướng dẫn các điều kiện cấp phép;

– Trình tự thực hiện;

– Hồ sơ cần chuẩn bị;

– Cách thức tiến hành…

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan việc thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động trong thủ tục tư vấn giấy phép. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật Song Anh để được tư vấn và giải đáp miễn phí.

Ngoài ra Công ty Luật Song Anh luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí và hỗ trợ doanh nghiệp về các dịch vụ pháp lý nổi bật khác.

About atkvietnamadmin

Trả lời